Thứ Năm, 24 tháng 6, 2010

Châu Đốc

Châu Đốc là thị xã vùng biên giới của tỉnh An Giang, là trung tâm văn hoá, thương mại dịch vụ thứ 2 của tỉnh, sau thành phố Long Xuyên, cách Long Xuyên 54 km theo quốc lộ 91. Đông Bắc giáp huyện An Phú. Tây Bắc giáp Campuchia. Sông Hậu chảy ở phía Đông ngăn cách với huyện Phú Tân. Phía Tây giáp huyện Tịnh Biên. Phía Nam giáp huyện Châu Phú.


Về đơn vị hành chánh, thị xã bao gồm 4 phường: Châu Phú A, Châu Phú B, Vĩnh Mỹ, Núi Sam và 3 xã: Vĩnh Ngươn, Vĩnh Tế, Vĩnh Châu.

Thị xã Châu Đốc là trung tâm du lịch nổi tiếng của tỉnh An Giang cũng như vùng đồng bằng sông Cửu Long. Châu Đốc có khu danh thắng núi Sam, với nhiều di tích văn hoá được xếp hạng cấp quốc gia, trong đó có miếu Bà Chúa Xứ. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ được tổ chức hằng năm thu hút đông đảo du khách đến tham quan, cúng bái. Vùng đất giàu truyền thống này từng ghi đậm dấu ấn của các danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Thoại… những bậc tiền hiền có công khai phá, mở mang bờ cõi; giữ vững biên cương.

Điều kiện tự nhiên
Vị trí
Châu Đốc có vị trí địa lý khá đặc biệt, nằm ở ngã ba sông, nơi sông Hậu và sông Châu Đốc gặp nhau, giữa 3 cửa khẩu kinh tế sầm uất là: cửa khẩu Tịnh Biên, cửa khẩu Khánh Bình – huyện An Phú, cửa khẩu Vĩnh Xương – huyện Tân Châu. Từ vị trí này, thị xã Châu Đốc được xem là cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh An Giang và vùng đồng bằng sông Cửu Long, là nơi tập trung hàng hoá buôn bán với Campuchia qua cả hai đường thủy và bộ.

Địa hình
Thị xã Châu Đốc thuộc vùng đồng bằng của tỉnh An Giang, do phù sa sông Hậu bồi đắp. Địa hình thấp dần theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Ở trung tâm có núi Sam đột khởi lên giữa đồng bằng tạo nên cảnh quan độc đáo. Phía Đông có sông Châu Đốc và sông Hậu chảy theo chiều Bắc Nam. Phía Tây có kênh Vĩnh Tế, chạy song song với biên giới Campuchia, nối liền với thị xã Hà Tiên. Địa hình chia cắt bởi các kênh rạch ngang dọc.

Thủy văn
Chế độ thủy văn ở Châu Đốc chủ yếu là bán nhật triều, số ngày có chế độ nhật triều trong tháng hầu như không đáng kể. Cứ khoảng nửa tháng có 3 - 5 ngày triều cường, sau đó triều giảm dần kéo dài khoảng 5 - 6 ngày, tiếp đó là 3 - 5 ngày triều lên, xuống rất yếu gọi là kỳ nước kém. Các kỳ con nước ở đây lặp lại một cách tuần hoàn nhưng khác nhau về cường độ. Trong một năm, biên độ triều của các trạm ven sông Hậu có những biến động mạnh mẽ. Vào mùa kiệt, biên độ triều tăng dần và đạt trị số lớn nhất vào tháng 4 hoặc tháng 5. Tiếp đó mùa lũ về, nước sông lên, biên độ triều giảm và đạt trị số nhỏ nhất vào tháng 9 hoặc tháng 10. Hằng năm từ tháng 7 đến tháng 11 là mùa nước nổi.

Di tích


Miếu Bà Chúa Xứ
Lăng Thoại Ngọc Hầu
Chùa Tây An
Chùa Hang
Đình Vĩnh Tế
Đình Châu Phú
Đình Vĩnh Ngươn
Nhà cổ Lê Công

Danh thắng
Núi Sam
Kênh Vĩnh Tế

Đặc sản

Ngoài những di tích thắng cảnh, từ lâu Châu Đốc còn được biết đến như là một "Vương quốc mắm" của miền Tây. Đây là nơi sản xuất các loại mắm cá hàng đầu ở miền Nam với số lượng thành phẩm mỗi năm lên đến hàng trăm ngàn tấn. Mắm có một phong vị rất riêng trong nền văn hoá ẩm thực của người dân Nam Bộ.

Châu Đốc nằm ở ngã ba sông Hậu, một trong hai nhánh của dòng Mê Kông - con sông có nhiều tôm cá đứng hàng thứ hai trên thế giới. Cá để làm mắm có thể nói là có quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào mùa nước lũ hàng năm. Bắt đầu từ tháng 7, tháng 8 cho đến cuối mùa lũ, khoảng tháng 10, tháng 11, là thời điểm lý tưởng cho người dân Châu Đốc đánh bắt cá. Các loại cá thường được chọn làm mắm là: cá lóc, cá trèn, cá sặc, cá chốt, cá linh... Cá làm mắm phải là loại có thịt dai mới đạt chuẩn của mắm ngon.
Chợ Châu Đốc có khoảng 50% diện tích dành cho các sạp hàng bán mắm, với các nhãn hiệu nổi tiếng như: bà giáo Khỏe, cô Tư Ấu, Phước Lộc, Út Cảnh v.v...Ở đây có đủ các loại mắm thật hấp dẫn, đặc biệt có một loại mắm rất độc đáo, gọi là mắm ruột. Loại mắm này làm từ ruột cá lóc, rất đắt tiền. Một loại mắm khác cũng rất được ưa chuộng là mắm thái. Loại mắm này được làm từ thịt mắm cá lóc thái nhỏ, trộn với đu đủ, kết hợp với các bí quyết nghề nghiệp khác. Hiện nay, thương hiệu "mắm Châu Đốc" đã được hoàn tất thủ tục để đăng ký bảo hộ. Đây là một bước đi đột phá có tính chuyên nghiệp nhằm đảm bảo chất lượng cũng như uy tín của sản phẩm mắm Châu Đốc.

Mắm Châu Đốc có thể dùng tươi sống, không cần phải chế biến thêm. Nhưng nếu muốn, người ta cũng có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Mắm cá sặc, cá linh có thể dùng chế biến món lẩu mắm, mắm kho, ăn kèm với các loại rau đồng như bông súng, điên điển, cù nèo, v.v... Mắm cá lóc chưng với thịt ba rọi băm nhuyễn cùng với củ hành đỏ, hành tây và trứng, ăn cùng với các loại rau quả như: dưa leo, cà chua, chuối sống, khế chua.....Mắm thái thì có thể ăn kèm với bún, hay cuốn bánh tráng cùng với thịt ba rọi luộc và rau sống mà không phải chế biến gì cả.

Lịch sử

Lãnh thổ Châu Đốc nguyên là đất thuộc nước Chân Lạp, gọi là Tầm Phong Long (Kompong Long). Năm 1757, vua Chân Lạp nhường cho chúa Nguyễn, chúa Nguyễn giao cho Nguyễn Cư Trinh vào và thành lập đạo Châu Đốc cùng với đạo Tân Châu và đạo Đông Khẩu (Sa Đéc). Sau khi Gia Long lên ngôi, năm 1805, vua đặt lại địa giới hành chính, Châu Đốc thuộc huyện Tây Xuyên, trấn Hà Tiên, và gọi là Châu Đốc Tân Cương. Năm 1808, Châu Đốc thuộc huyện Vĩnh Định, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh, thuộc thành Gia Định. Năm 1815, triều Nguyễn cho xây thành Châu Đốc. Đến 1825, Châu Đốc tách riêng thành Châu Đốc trấn. Năm 1832, Minh Mạng đổi trấn thành tỉnh, phủ Gia Định chia thành Nam Kỳ lục tỉnh: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, Hà Tiên và An Giang. Trấn Châu Đốc đổi thành tỉnh An Giang, tỉnh lỵ đặt tại thành Châu Đốc. Địa bàn Châu Đốc ngày nay là đất của các thôn: Châu Phú, Vĩnh Ngươn, Vĩnh Tế Sơn thuộc tổng Châu Phú, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang năm 1832. Năm 1834, vua Minh Mạng cho triệt phá thành Châu Đốc cũ (1815) xây dựng thành Châu Đốc mới theo hình bát quái.

Ngày 22-06-1867, Pháp đem quân đánh chiếm Châu Đốc. Năm 1868, sau khi chiếm được 3 tỉnh miền Tây, Pháp chia Nam Kỳ thành 24 hạt tham biện. Trong đó, hạt Châu Đốc trông coi hạt Đông Xuyên (Long Xuyên) và Sa Đéc. Ngày 30-12-1899, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định: đổi hạt tham biện thành tỉnh; chia An Giang thành 2 tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên. Tỉnh Châu Đốc gồm 12 tổng: Thành Tín, Thành Lâm, Thành Ý, Thanh Ngãi, Thanh Lễ, Quý Đức, Châu Phú, An Lương, An Phú, An Phước, An Thành, An Lạc. Tỉnh lỵ là Châu Đốc.

Đến cuối năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm sát nhập Châu Đốc với Long Xuyên thành tỉnh An Giang, địa bàn Châu Đốc nằm trên xã Châu Phú thuộc tổng Châu Phú, quận Châu Phú, tỉnh An Giang. Năm 1964, sau khi Chính quyền Sài Gòn tách tỉnh, Châu Đốc thuộc tổng Châu Phú, quận Châu Phú, tỉnh Châu Đốc cho đến ngày giải phóng 30-04-1975.

Trong Cách mạng tháng 8, lực lượng Cách mạng khởi nghĩa giành chính quyền ngày 24-08-1945. Đến 20-01-1946, Pháp chiếm lại Châu Đốc. Theo sự phân chia của chính quyền Cách mạng, 06-03-1948, Châu Đốc thuộc huyện Châu Phú A của tỉnh Long Châu Hậu. Đến cuối năm 1950, huyện Châu Phú A thuộc tỉnh Long Châu Hà. Từ năm 1957, Châu Đốc thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Đến giữa năm 1966, thành lập thị xã ủy Châu Đốc; mùa nước nổi năm 1967, thực hiện chỉ đạo của khu ủy khu 8 và tỉnh ủy An Giang trong hội nghị mở rộng tại núi Tô, Châu Đốc được chọn làm mặt trận chính của tỉnh trong chiến dịch Xuân 68. Năm 1971, huyện Châu Phú vẫn thuộc tỉnh An Giang sau khi tách tỉnh Châu Hà. Tháng 05-1974, huyện Châu Phú thuộc tỉnh Long Châu Hà theo Hội nghị thường trực Trung ương Cục cho đến ngày giải phóng.

Tháng 02-1976, thị xã Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang, gồm 2 xã: Châu Phú A và Châu Phú B. Ngày 27-01-1977, nhận thêm xã Vĩnh Ngươn của huyện Châu Phú theo Quyết định số 199/TC.UB của UBND tỉnh An Giang. Ngày 25-04-1979, chuyển 2 xã Châu Phú A, Châu Phú B thành phường Châu Phú A, Châu Phú B và thành lập xã Vĩnh Mỹ theo Quyết định 181/CP của Chính phủ. Ngày 23-08-1979, nhận thêm xã Vĩnh Tế của huyện Châu Phú theo Quyết định 300/CPcủa Chính phủ. Ngày 22-03-2002, tách một phần xã Vĩnh Tế để thành lập phường Núi Sam. Ngày 01-09-2007, thị xã Châu Đốc tổ chức lễ công nhận đô thị loại 3.


Xe lôi Châu Đốc


Xe lôi và một phương tiện vận tải hành khách thường thấy ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong những thập niên 80, 90 của thế kỷ XX. Bước sang thế kỷ XXI, khi xe máy thịnh hành, những chiếc xe lôi chở khách đã vắng bóng trên đường phố các tỉnh miền Tây, trừ thị xã Châu Đốc. Xe lôi Châu Đốc có hai loại, xe lôi máy và xe lôi đạp, tập trung nhiều quanh khu vực bến xe Châu Đốc, sẵn sàng chở khách đi khắp phố phường thị xã.

Lộ trình quen thuộc của cánh xe lôi là là khu vực bến xe, chợ Châu Đốc và khu du lịch núi Sam. Hành khách chủ yếu là khách du lịch phương xa, muốn ngồi xe, thong thả đi ngắm cảnh phố phường. Những năm gần đây, do phải chia sẻ "thị phần" với xe ôm, nên số lượng xe lôi ở Châu Đốc cũng giảm dần, hiện nay còn khoảng vài trăm chiếc.

Dù nắng hay mưa, dù ngày hay đêm, đường phố Châu Đốc không lúc nào vắng bóng những chiếc xe lôi ngược xuôi chở khách. Vào mùa vía Bà (tháng 4 âm lịch) và các ngày rằm lớn, hàng chục nghìn du khách hành hương đổ về Châu Đốc, cũng là mùa làm ăn của cánh xe lôi. Dù đắt khách, nhưng họ vẫn không tăng giá, mà cố gắng đạp nhanh, để kiếm thêm được nhiều cuốc, cày thêm nhiều giờ để kiếm thêm tiền. Đó là nét đẹp văn hoá của xe lôi xứ này.

Năm 2008, nhà nước có chủ trương cấm xe lôi và các loại xe thô sơ tự chế để hạn chế tai nạn giao thông, tái lập mỹ quan, trật tự đô thị. Chủ trương đã ban hành, nhưng tạm hoãn áp dụng vì còn có nhiều ý kiến khác nhau. Không biết rồi đây, số phận những chiếc xe lôi Châu Đốc và những người lao động nghèo này sẽ về đâu?
Nguồn : vietgle

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét